Răng khôn, thường được xem như dấu hiệu của sự trưởng thành, là một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của mỗi người. Tuy nhiên, sự xuất hiện của răng khôn lại không mang nhiều giá trị chức năng trong tổng thể hàm răng và thậm chí có thể trở thành “nỗi ám ảnh” với những cơn đau nhức, viêm nhiễm hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác. Vậy khi nào cần nhổ răng khôn, và quy trình nhổ răng khôn diễn ra như thế nào? Hãy cùng Nha khoa Bảo Ngọc khám phá chi tiết qua bài viết dưới đây!
Nhổ răng khôn là gì?
Nhổ răng khôn là một tiểu phẫu để lấy bỏ một hoặc nhiều răng số 8 (gọi là răng khôn) mọc trong cùng hàm răng. Nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt nhổ răng khôn nhằm ngăn các biến chứng do nó gây ra, giúp hạn chế tổn thương các răng và mô xung quanh răng kế cận.
Răng khôn (hay còn được gọi là răng hàm thứ 3) nằm ở phía trong cùng của khoang miệng. Răng khôn thường xuất hiện khi bạn bước vào giai đoạn 17 – 25 tuổi.
Răng khôn giúp tổ tiên con người nghiền nát và nhai lá, quả hạch, rễ và thịt sống. Thế nhưng với sự tiến hóa, răng khôn không còn cần thiết nữa. Con người đã biết ăn thức ăn nấu chín và sử dụng nĩa, dao để cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hơn, thức ăn mềm và dễ nhai nghiền hơn. Theo đó, xương hàm trở nên hẹp hơn làm cho những chiếc răng khôn trở nên thiếu chỗ để có thể mọc ngay ngắn và thực hiện đúng chức năng của nó.
Một số người mọc cả 4 chiếc răng khôn, tuy nhiên những người khác có thể chỉ mọc 1, 2, 3 thậm chí không mọc răng khôn. Cho dù bạn mọc bao nhiêu cái răng khôn hoặc không có răng khôn cũng không nên lo lắng. Bởi điều này có thể là một thay đổi nhỏ của quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, khi không có đủ chỗ cho răng khôn mọc, răng có khả năng mọc lệch hoặc chỉ mọc một phần, hay còn gọi là răng mọc ngầm, gây ra nhiều vấn đề phiền toái, khó chịu và đau đớn cho người bệnh.
Quy trình nhổ răng khôn
Thông thường, quy trình nhổ răng khôn được thực hiện với các bước cơ bản sau:
Bước 1: Khám tổng quát và chụp phim X-quang
Đây là bước đầu tiên nhưng cũng rất quan trọng trong quy trình nhổ răng khôn. Theo đó, nha sĩ sẽ thực hiện các biện pháp thăm khám để đánh giá tình trạng tổng quát, cũng như khám kĩ để xem xét tình trạng, vị trí, mức độ tổn thương… của răng. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp phim X- quang hàm răng để đánh giá hình ảnh chính xác về tư thế và vị trí răng khôn mọc, giúp nha sĩ nắm rõ và xây dựng kế hoạch nhổ răng phù hợp và ít sang chấn cho người bệnh.
Bước 2: Thực hiện những xét nghiệm kiểm tra
Bệnh nhân sau đó được chỉ định lấy máu xét nghiệm để đánh giá tình trạng đông máu, công thức máu và một số xét nghiệm liên quan khác. Nếu có vấn đề, nha sĩ có thể chỉ định dùng thuốc can thiệp cho quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được xét nghiệm để kiểm tra bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường…nhằm loại bỏ yếu tố rủi ro và đảm bảo an toàn sau điều trị.
Bước 3: Tiến hành nhổ răng
Bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành gây tê tại chỗ răng cần nhổ để bệnh nhân có trải nghiệm dễ chịu và nhẹ nhàng, đặc biệt là không cảm thấy đau trong suốt quá trình thực hiện nhổ răng khôn. Đặc biệt là trước khi nhổ răng, nhân viên y tế cũng phải đảm bảo khử trùng dụng cụ để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.
Bước 4: Tái khám sau nhổ răng
Sau quá trình nhổ răng, bệnh nhân sẽ được nha sĩ hướng dẫn cách vệ sinh và ăn uống phù hợp, đồng thời hẹn lịch tái khám để kiểm tra vết thương và tình trạng sau khi nhổ. Trong 7 – 10 ngày đầu sau khi nhổ, nếu cảm thấy có vấn đề gì trong hàm răng, hãy nhanh chóng liên hệ ngay với nha sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn
Để vết thương được hồi phục hoàn toàn, tránh được tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ, bạn nên áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách sau:
- Chườm lạnh trong 24 giờ đầu để cầm máu một cách tối đa và hạn chế thâm nướu.
- Chườm ấm từ ngày thứ 2 để giảm sưng đau.
- Luyện cơ hàm nhẹ nhàng bằng cách mở và khép miệng từ từ.
- Chỉ nên ăn các loại thức ăn mềm như: Mì, cơm nhão, cháo, súp,…
- Không ăn đồ ăn quá cứng, giòn, dính vì có thể làm trầy xước, chảy máu vết thương.
- Uống nhiều nước.
- Chỉ đánh răng bắt đầu từ ngày thứ 2 sau khi nhổ, nhưng tuyệt đối không chạm vào vết thương.
- Nên súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý.
- Tránh xa thuốc lá, đồ uống có cồn như rượu bia và các chất kích thích khác. Đặc biệt, nicotin có trong thuốc lá có thể gây co mạch, làm giảm lưu thông máu, khiến cho vết thương khó lành hơn.
- Uống thuốc giảm đau theo như chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu xuất hiện tình trạng sốt hoặc sưng tấy không thuyên giảm, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng. Lúc này, bạn nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Răng khôn hầu như không các tác dụng trong việc ăn nhai trong khi lại có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong răng miệng. Vì thế, hiện nay việc nhổ răng khôn được thực hiện rất nhiều nhằm giải quyết những khó chịu cho bệnh nhân. Tìm hiểu quy trình nhổ răng khôn cùng với những lưu ý trước, trong và sau khi nhổ răng sẽ giúp bệnh nhân có một liệu trình điều trị an toàn và hiệu quả.
Khoa Răng Hàm Mặt, nha khoa Bảo Ngọc với đội ngũ bác sĩ nha khoa giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên sâu sẽ giúp bạn xử lý tình trạng răng khôn mọc lệch, răng khôn mọc nghiêng gần, răng khôn mọc nghiêng xa, răng khôn mọc ngang,… Công nghệ nhổ răng hiện đại, kết hợp cùng thiết bị y tế cao cấp giúp quá trình nhổ răng nhanh chóng, không sưng tấy, nhanh lành. Quý khách có thể đến trực tiếp nha khoa Bảo Ngọc hoặc gọi về hotline 0333 235 115 để được các y bác sĩ tư vấn và thăm khám cụ thể.